logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Nghiên cứu khoa học»Thông tin KHCN & Môi trường»Thực trạng môi trường lao động của người lao động khai thác than hầm lò tại một số mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh

Thực trạng môi trường lao động của người lao động khai thác than hầm lò tại một số mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh

Một nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 80 mẫu đo môi trường lao động tại các vị trí khai thác than hầm lò và 40 mẫu đo tại các vị trí khác, không khai thác than trong hầm lò. Địa điểm nghiên cứu tại 2 công ty khai thác than ở tỉnh Quảng Ninh. Nghiên cứu sử dụng các thiết bị đo đã được kiểm chuẩn, phương pháp đo theo hướng dẫn tại Thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế. Kết quả đo được so sánh với các Tiêu chuẩn hiện hành. Kết quả đo môi trường lao động tại nhóm tiếp xúc có tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép cao hơn so với tại nhóm so sánh tại các chỉ tiêu độ ẩm, tốc độ gió, tiếng ồn. Kết quả trung bình của các thông số này tại nhóm tiếp xúc cao hơn ở nhóm so sánh. Các kết quả đo nồng độ bụi than tại nhóm tiếp xúc đều cao gấp Tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Cụ thể, nồng độ bụi toàn phần đo được trung bình tại nhóm tiếp xúc là 61,16 mg/m3, gấp hơn 20 lần Tiêu chuẩn cho phép (3 mg/m3). Nồng độ bụi hô hấp tại nhóm tiếp xúc đo được trung bình là 23,06 mg/ m3, gấp hơn 11 lần Tiêu chuẩn cho phép (2 mg/ m3).

Từ khóa: khai thác than hầm lò; môi trường lao động.

Abstract:

A cross - sectional survey was conducted on 80 working environment measurement samples at underground coal mining and 40 measurement samples at other locations, not underground coal mining. Research locations at two coal mining companies in Quang Ninh province. Research using calibrated measuring equipment. Measuring methods according to the instructions in the Technical Regulations on Occupational Health and Environment of the Ministry of Health. Measurement results are compared with current Standards. The results of measuring the working environment in the exposed group had a higher proportion of samples that did not meet the allowable standards than in the comparison group in terms of humidity, wind speed, and noise. The average results of these parameters in the exposure group were higher than in the comparison group. The measurement results of coal dust concentration in the exposed group are dozens of times higher than the allowed standard. Specifically, the average total dust concentration measured in the exposed group was 61.16 mg/m3, more than 20 times higher than the allowed standard (3 mg/m3). The average concentration of respiratory dust in the exposed group was 23.06 mg/m3, more than 11 times higher than the allowed standard (2 mg/ m3).

Keywords: underground coal mining, working environment.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngành khai thác than ở Việt Nam hàng năm đã đóng góp vai trò lớn trong nền kinh tế quốc dân. Để có được thành quả như ngày hôm nay, toàn ngành than – khoáng sản Việt Nam đã rất cố gắng đầu tư đổi mới công nghệ. Chiến lược này được đưa ra là chiến lược quan trong hàng đầu nhằm khai thác tối đa cơ sở vật chất, tài nguyên sẵn có, nâng cao mức độ đảm bảo an toàn trong sản xuất cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên mặc dù đã có nhiều cải tiến về công nghệ và kỹ thuật khai thác than hầm lò nhưng ở một số công đoạn người lao động vẫn thực hiện một cách thủ công như khâu khoan nổ, đào chống, xúc, vận tải… Môi trường và điều kiện lao động dưới hầm lò vẫn khó khăn, khắc nghiệt và thiếu ánh sáng, thao tác gò bó hạn chế dễ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Đã có nhiều các nghiên cứu về môi trường khai thác than cũng như phân tích sự ảnh hưởng của ô nhiễm đến sức khỏe, bệnh tật ở công nhân. Tuy nhiên tập trung phân tích nhiều vẫn là các nghiên cứu về yếu tố bụi. Một nghiên cứu cho thấy nồng độ bụi có nơi đạt tới 434 μg/m3, lượng bụi gây ra chủ yếu từ các hoạt động như khoan nổ mìn, vận tải....[4]. Bụi và ồn là hai yếu tố môi trường có tỷ lệ mẫu đo không đạt Tiêu chuẩn khá cao. Tỷ lệ mẫu đo bụi không đạt Tiêu chuẩn là là 21,2 đến 26,8%; tiếng ồn là 14,1 đến 30,5%. Sau đó là độ ẩm 15,6 đến 26,9% và nhiệt độ từ 4,1 đến 8,6% [1]. Yếu tố rung tại các cơ sở khai thác mỏ có tỷ lệ mẫu đo không đạt Tiêu chuẩn là từ 3,5 đến 18% [1]. Trong các yếu tố tác hại trong môi trường lao động thì bụi vẫn là yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng nhất đến sức khỏe công nhân. Bụi than xuất hiện nhiều các chất độc hại khác nhau với rất nhiều các kích thước hạt khác nhau do đó có khả năng xuất hiện ở mọi vị trí trên đường hô hấp của công nhân [6]. Từ đó gây suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Đây chính là yếu tố tác hại chủ yếu nhất gây ra tình trạng bệnh lý dẫn đến tử vong ở công nhân khai thác than [7].

Do tính chất và điều kiện môi trường lao động không thuận lợi nên ở người lao động trong ngành khai thác than có xuất hiện nhiều biểu hiện bệnh có liên quan đến nghề nghiệp rõ rệt như bệnh bụi phổi silic, bệnh nấm da, bệnh về tiêu hóa, tim mạch... Mặt khác người lao động làm việc trong môi trường khắc nghiệt, tiếp xúc với các mối nguy hiểm, tư thế lao động gò bó có thể phát sinh một số bệnh về tâm sinh lý như stress, lo âu, mệt mỏi… và như vậy làm tăng tỷ lệ tai nạn lao động trong khi làm việc.

Chính vì thế chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm khảo sát thực trạng môi trường lao động ở người lao động trong ngành khai thác than – khoáng sản để có thể đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh các bệnh, triệu chứng và tai nạn lao động ở công nhân ngành khai thác than hầm lò. Đề tài đã được thực hiện nhằm mục tiêu “Mô tả thực trạng môi trường lao động của người lao động khai thác than hầm lò tại một số mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh”.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

Môi trường lao động tại các vị trí khai thác than hầm lò (nhóm tiếp xúc) và các vị trí khác, không ở hầm lò (nhóm so sánh) tại các cơ sở.

Kỹ thuật chọn mẫu: theo Thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế năm 2015. Số mẫu môi trường được chọn: 80 mẫu tại khu vực làm việc của nhóm tiếp xúc và 40 mẫu tại khu vực làm việc của nhóm so sánh. Tại nhóm tiếp xúc: đo 24 mẫu tại Công ty 1 (3 hầm lò, mỗi hầm 8 mẫu) và 56 mẫu tại Công ty 2 (5 hầm lò, mỗi hầm 11-12 mẫu). Tại nhóm so sánh: đo tại các vị trí văn phòng và sản xuất trên mặt đất: phân xưởng điện, cơ điện, phục vụ.

2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu:

            Hai công ty khai thác than thuộc Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thời gian nghiên cứu: từ tháng 10/2022 đến tháng 11/2023.

2.3. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang

2.4. Biến số nghiên cứu:

- Kết quả đo các chỉ tiêu môi trường lao động: vi khí hậu, bụi, hơi khí độc, ánh sáng, độ ồn, rung.

2.5. Phương pháp thu thập thông tin

Bảng 2. 1. Các thông số đo môi trường lao động tại các cơ sở

TT

Tên thông số

Phương pháp

Tiêu chuẩn cho phép

Thiết bị

1.     

Nhiệt độ

QCVN 26:2016/ BYT

16-30 0C

Thiết bị đo Testo 645, Đức

2.     

Độ ẩm

QCVN 26:2016/ BYT

40-80 %

Thiết bị đo Testo 645, Đức

3.     

Tốc độ gió

QCVN 26:2016/ BYT

0,3-1,5 m/s

Thiết bị đo nhiệt độ và gió Testo 425, Đức

4.     

Bụi than toàn phần (TWA)

QCVN 02:2019/BYT

3 mg/m3

Cân phân tích AE 240

5.     

Bụi than hô hấp (TWA)

QCVN 02:2019/BYT

2 mg/m3

Cân phân tích AE 240

6.     

Tiếng ồn

QCVN 24:2016/TT-BYT

85 dbA

Thiết bị đo ồn Sound Pro DXL - Quest

7.     

Gia tốc rung

QCVN 27:2016/BYT

Tùy theo dải tần quy định trong QC27

Thiết bị đo rung VI-400Pro, Quest

8.     

Độ rọi

QCVN 22:2016/BYT

Hầm lò:50 lux

Các vị trí khác: tùy theo vị trí quy định trong QCVN22

Thiết bị đo Ánh sáng LX 50, KIMO

9.     

SiO2 (TWA)

QCVN 02:2019/BYT (Polejabva)

 

Thang màu chuẩn

10.

Carbon monoxide (CO) (TWA)

QCVN 03:2019/BYT

20 mg/m3

Drager X-am 7000 -01

11.

Carbon dioxide (CO2) (TWA)

QCVN 03:2019/BYT

9000 mg/m3

AQ 100, KIMO, Pháp

12.

Sulfur dioxide (SO2) (TWA)

QCVN 03:2019/BYT

5 mg/m3

Drager X-am 7000 -01

13.

Nitơ dioxide (NO2) (TWA)

QCVN 03:2019/BYT

5 mg/m3

Drager X-am 7000 -01

14.

Hydro sulfide (H2S) (TWA)

MASA Method 701

10 mg/m3

Thiết bị phân tích so mầu UV/VIS Lambda 25

15.

Metan (CH4) (TWA)

MASA 101

 

Hệ thống thiết bị sắc ký khí GC/FID 2010 Shimadzu

 

2.6. Phân tích và xử lý số liệu

Số liệu điều tra được làm sạch, mã hoá, nhập máy vi tính, sử dụng phần mềm Excel và SPSS. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả để trình bày thực trạng môi trường lao động tại các cơ sở nghiên cứu.

2.7. Đạo đức nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu chỉ nhằm mục đích khoa học. Các vấn đề về môi trường lao động được thông báo, kiến nghị đến Công ty để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Mọi thông tin được giữ bí mật.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 3. 1. Tổng hợp kết quả đo môi trường lao động tại các cơ sở nghiên cứu chia theo các nhóm 

 

 

Nhóm tiếp xúc

Nhóm so sánh

TT

Thông số quan trắc

Tổng số mẫu

Số mẫu không đạt

Tỷ lệ %

Tổng số mẫu

Số mẫu không đạt

Tỷ lệ %

I

Vi khí hậu

 

 

 

 

 

 

1

Nhiệt độ

80

40

50

40

26

65

2

Độ ẩm

80

72

90

40

0

0

3

Tốc độ chuyển động không khí

80

47

58,75

40

16

40

II

Các thông số vật lý

 

 

 

 

 

 

1

Ánh sáng

80

0

0

40

0

0

2

Tiếng ồn tương đương

80

33

41,25

40

2

5

3

Gia tốc rung

80

36

45

     

III

Bụi các loại

 

 

 

 

 

 

1

Bụi than toàn phần (TWA)

80

78

97,5

     

2

Bụi than hô hấp (TWA)

80

74

92,5

     

3

SiO2 (TWA) (*)

80

0

0

     

IV

Hơi khí độc

 

 

 

 

 

 

1

Carbon dioxide (CO2) (TWA)

80

0

0

40

0

0

2

Carbon monoxide (CO) (TWA)

80

0

0

     

3

Nitơ dioxide (NO2) (TWA)

80

0

0

     

4

Sulfur dioxide (SO2) (TWA)

80

0

0

     

5

Hydro sulfide (H2S) (TWA)

80

0

0

     

6

Metan (CH4) (TWA)

80

0

0

     

 (*) 100% mẫu đo cho KQ hàm lượng SiO2 trong bụi dưới 5%

Bảng 3. 2. Kết quả trung bình các thông số môi trường lao động tại các cơ sở nghiên cứu chia theo các nhóm  

 

Thông số quan trắc

Nhóm tiếp xúc

Nhóm so sánh

Tiêu chuẩn cho phép

I

Vi khí hậu

 

 

 

1

Nhiệt độ (0C)

TB (min-max)

29,66 (27,10-33,4)

 32,09 (25,1-41,8)

16-300C

2

Độ ẩm (%)

TB (min-max)

86,68 (69,2-95)

    65,65 (50,4-79,8)

40-80 %

3

Tốc độ gió (m/s)

TB (min-max)

1,58 (0,1-3,06)

      0,41 (0,12-1,12)

0,3-1,5 m/s

II

Các thông số vật lý

 

 

 

1

Ánh sáng (Lux)

TB (min-max)

468,83 (143,4-767)

520,73 (60-1526)

Hầm lò:50 lux

Các vị trí khác: tùy theo vị trí quy định trong QCVN22

2

Tiếng ồn tương đương (dBA)

TB (min-max)

85,4 (72,4-101,8)

69,29 (48,5-90,4)

85 dbA

3

Gia tốc rung (m/s2)

TB (min-max)

5,05 (0,01-17,4)

 

Tùy theo dải tần quy định trong QC27

III

Bụi các loại 

 

 

 

1

Bụi than toàn phần (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

61,16 (2,21-470)

 

3 mg/m3

2

Bụi than hô hấp (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

23,06 (1,33-369,5)

 

2 mg/m3

3

SiO2 (TWA) (%) (*)

TB (min-max)

2,49 (0,35-3,85)

   

IV

Hơi khí độc

 

 

 

1

Carbon dioxide (CO2) (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

1129,16 (713-2016)

1130 (680-2871)

9000 mg/m3

2

Carbon monoxide (CO) (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

4,49 (<1,16-11,6)

 

20 mg/m3

3

Nitơ dioxide (NO2) (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

<0,19

 

5 mg/m3

4

Sulfur dioxide (SO2) (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

<0,27

 

5 mg/m3

5

Hydro sulfide (H2S) (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

0,011 (<0,0006-0,03)

 

10 mg/m3

6

Metan (CH4) (TWA) (mg/m3)

TB (min-max)

3,63 (0,14-62,2)

   

 (*) 100% mẫu đo cho KQ hàm lượng SiO2 trong bụi dưới 5%

Thời điểm lấy mẫu: trong quá trình người lao động thực hiện khai thác than, vận chuyển than. Các giá trị vượt Tiêu chuẩn cho phép tập trung tại các vị trí người lao động thực hiện thao tác khai thác: khoan, xúc, tiêu tải than.

IV. BÀN LUẬN

Tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép ở các yếu tố vi khí hậu tại nhóm tiếp xúc như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió ở mức trung bình và cao (lần lượt là 50%, 90% và 58,75%). Các tỷ lệ này ở nhóm so sánh lần lượt là: nhiệt độ:65% (cao hơn nhóm tiếp xúc); độ ẩm: 0% và tốc độ gió: 40% (thấp hơn nhóm tiếp xúc).

Tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép ở chỉ tiêu tiếng ồn tại nhóm tiếp xúc ở mức trung bình (41,25%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm so sánh rất thấp (5%).

Tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép ở chỉ tiêu độ rung tại nhóm tiếp xúc ở mức trung bình (45%). Tại nhóm so sánh không đo chỉ tiêu này.

Tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép ở chỉ tiêu nồng độ bụi than ở mức rất cao. Cụ thể, nồng độ bụi than (toàn phần, hô hấp) có tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép lần lượt là 97,5% và 92,5%). Tại nhóm so sánh không đo chỉ tiêu này.

Các kết quả trên cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Duy Bảo công bố năm 2012. Theo nghiên cứu trên; bụi và ồn là hai yếu tố môi trường có tỷ lệ mẫu đo không đạt TCVSCP cao nhất: trong 3 năm 2009-2011; tỷ lệ mẫu đo bụi không đạt TCVSCP là 21,2 đến 26,8%; tiếng ồn là 14,1 đến 30,5%. Sau đó là độ ẩm 15,6 đến 26,9% và nhiệt độ từ 4,1 đến 8,6%. Kết quả thu được từ đo tại các vị trí cả dưới hầm lò và trên mặt đất [1].

Giá trị trung bình của thông số nhiệt độ đo được tại nhóm tiếp xúc thấp hơn so với nhóm so sánh. Tại nhóm tiếp xúc, nhiệt độ đo được trung bình là 29,660C, xấp xỉ giới hạn trên của Tiêu chuẩn cho phép (160C - 300C). Ở nhóm so sánh, kết quả này là 32,090C (cao hơn nhóm tiếp xúc). Kết quả này phù hợp với thực tế khảo sát của chúng tôi tại các cơ sở: các Công ty rất chú trọng đến việc lắp đặt và bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thông gió trong hầm lò. Các vị trí sản xuất trên mặt đất lại chưa được chú trọng đến vấn đề này.

Giá trị trung bình của thông số độ ẩm đo được trung bình tại nhóm tiếp xúc là 86,68%, cao hơn Tiêu chuẩn cho phép (80%). Điều này phù hợp với đặc điểm các vị trí khai thác than dưới lòng đất, nơi có các mạch nước ngầm chày qua. Tốc độ gió đo được trung bình là 1,58 m/s; cao hơn Tiêu chuẩn cho phép (1,5 m/s). Các kết quả này cao hơn so với nhóm so sánh (lần lượt là 65,65% và 0,41 m/s). Kết quả này cho thấy hoạt động của hệ thống thông gió trong hầm lò, ống thông gió được đưa gần đến vị trí công nhân thao tác (khoảng cách xa nhất là 10 mét từ đầu ống đến vị trí lấy mẫu đo).

Cường độ tiếng ồn đo được trung bình tại nhóm tiếp xúc là 85,4 dBA cao hơn Tiêu chuẩn cho phép (85 dBA). Kết quả này ở nhóm so sánh là 69,29 dBA. Do tính chất lao động của hệ thống công nghiệp, tiếng ồn là vấn đề có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của công nhân. Thời điểm đo độ ồn trong quá trình khai thác và vận chuyển than; tiếng ồn đến từ hoạt động của máy khoan, tiếng nổ mìn, máy ủi, máy xúc, và tiếng ồn do các phương tiện vận tải. Trong nghiên cứu của Dương Thị Lan cho thấy tiếng nổ mìn khai thác than có thể vượt 100dBA ở khoảng cách 300m. Hầu hết các điểm đo cường độ tiếng ồn đều vượt TCCP [3].

Nồng độ bụi toàn phần đo được trung bình tại nhóm tiếp xúc là 61,16 mg/m3, gấp hơn 20 lần Tiêu chuẩn cho phép (3 mg/m3). Nồng độ bụi hô hấp tại nhóm tiếp xúc đo được trung bình là 23,06 mg/m3, gấp hơn 11 lần Tiêu chuẩn cho phép (2 mg/m3). Kết quả đo nồng độ bụi tại các cơ sở nghiên cứu phù hợp với đặc điểm điều kiện lao động chung của ngành khai thác than hầm lò. Bụi là vấn đề quan trọng bậc nhất trong vệ sinh công nghiệp khai thác than. Trong quy trình khai thác mỏ có nhiều công đoạn phát sinh bụi như đào, xúc, múc, khoan, nổ mìn, vận chuyển… Vì vậy có nhiều vị trí lao động bị ô nhiễm bụi nghiêm trọng. Kết quả này tương đồng với tổng hợp một số nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp ở ngành khai thác than hầm lò của Bộ Y tế năm 2018 [2]. Nồng độ bụi toàn phần cao từ 30 – 100 mg/m3, vượt Tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 15 – 30 lần, nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt Tiêu chuẩn cho phép từ 9 – 11 lần.

Rung chuyển cũng là một yếu tố tác hại trong môi trường lao động ngành khai thác than hầm lò. Thời điểm đo độ rung trong quá trình khai thác than, độ rung đến từ hoạt động của các loại máy móc gây ra như búa hơi, khoan hơi, nổ mìn...Bệnh rung chuyển nghề nghiệp cũng hay gặp trong công nhân khai thác mỏ. Kết quả đo tại các cơ sở cho thấy tỷ lệ % số mẫu không đạt ở thông số gia tốc rung là 45%. Theo tác giả Nguyễn Duy Bảo, yếu tố rung tại các cơ sở khai thác mỏ có tỷ lệ mẫu đo không đạt TCVSCP là từ 3,5 đến 18% [1]. Thông số gia tốc rung đo được trung bình là 5,05 m/s2.

Kết quả đo ánh sáng và các loại hơi khí độc (CO­2, CO, SO­2, H­2S) tại các vị trí đều đạt Tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ SiO­2 trong bụi dưới 5%. ­Điều này đến từ các giải pháp cải thiện điều kiện lao động của các Công ty như lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, cho 100% người lao động xuống hầm lò sử dụng đèn lắp phía trước mũ bảo hộ và cắm sạc ngay sau khi trả đèn. Cùng với đó là hệ thống quạt thông gió, hệ thống hút gió sạch vào đường lò, đẩy khí thải ra khỏi đường lò. Việc bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống này cùng với đo đạc nồng độ hơi khí độc được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Công ty.

Từ các kết quả đánh giá và đo đạc môi trường lao động tại các cơ sở cho thấy công nhân khai thác than phải làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tác động này mang tính tổng hợp, nguyên nhân chủ yếu vẫn là máy móc cũ và lạc hậu, thiết bị bảo hộ lao động chưa đầy đủ và kịp thời. Đây cũng là nhận định của nhiều tác giả khi nghiên cứu về môi trường cũng như đánh giá sự ảnh hưởng của môi trường lên sức khỏe, bệnh tật của công nhân khai thác than [5][8].Hiện nay, mặc dù đã áp dụng nhiều khoa học công nghệ mới vào khai thác, nhưng công nghệ khai thác than của nước ta vẫn còn lạc hậu, bán cơ giới, lao động chân tay là phổ biến, chiếm tới 80%.Trong khi ở các nước Mỹ, Australia công nghệ khai thác hiện đại hơn mà công nhân vẫn phải làm việc trong môi trường vi khí hậu nóng, có bụi và hơi khí độc thì ở Việt Nam công nhân phải làm việc trong môi trường ô nhiễm là không tránh khỏi.  

V. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép ở các yếu tố: vi khí hậu, tiếng ồn, độ rung, nồng đội bụi than trong hầm lò ở mức cao. Trong số đó, các yếu tố như độ ẩm, nồng độ bụi than (toàn phần, hô hấp) có tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép rất cao (lần lượt là 90%; 97,5%; 92,5%). Tiếp đến là các chỉ tiêu: tốc độ gió (58,75%); nhiệt độ (50%); gia tốc rung (45%); tiếng ồn (41,25%). Các tỷ lệ này ở nhóm so sánh lần lượt là: nhiệt độ:65% (cao hơn nhóm tiếp xúc); độ ẩm: 0% và tốc độ gió: 40% (thấp hơn nhóm tiếp xúc); tiếng ồn: 5% (thấp hơn nhóm tiếp xúc).

Kết quả đo môi trường lao động tại nhóm tiếp xúc có tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép cao hơn so với tại nhóm so sánh tại các chỉ tiêu độ ẩm, tốc độ gió, tiếng ồn. Kết quả trung bình của các thông số này tại nhóm tiếp xúc cao hơn ở nhóm so sánh. Các chỉ số này về chỉ tiêu nhiệt độ ở nhóm so sánh lại cao hơn ở nhóm tiếp xúc.

Các kết quả đo nồng độ bụi than tại nhóm tiếp xúc đều cao gấp Tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần.

Từ các kết quả đánh giá và đo đạc môi trường lao động tại các cơ sở cho thấy công nhân khai thác than dưới hầm lò phải làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các yếu tố: nhiệt độ - độ ẩm cao, nồng độ bụi than rất cao; độ rung, tiếng ồn lớn. Với các vị trí làm việc trên mặt đất, chỉ tiêu đo nhiệt độ có tỷ lệ số mẫu không đạt và giá trị trung bình ở mức cao.

Công ty cần chú trọng hơn nữa đến các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo môi trường lao động cho người lao động, đặc biệt với các yếu tố: độ ẩm; nồng độ bụi toàn phần, bụi hô hấp dưới hầm lò hiện đang có tỷ lệ số mẫu không đạt Tiêu chuẩn cho phép ở mức rất cao (từ 90% trở lên). Tiếp đó là các yếu tố: nhiệt độ, tiếng ồn, độ rung dưới hầm lò và yếu tố nhiệt độ tại các vị trí trên mặt đất. Thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe, giám định sức khỏe cho người lao động đúng theo quy định.

Người lao động cần chủ động sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân để phòng tránh tác hại của các yếu tố nguy cơ từ môi trường lao động, chủ động tự phát hiện các vấn đề sức khỏe.

Cần có nghiên cứu thêm về các yếu tố khác trong môi trường lao động như: gánh nặng lao động thể lực, gánh nặng căng thẳng thần kinh tâm lý, tư thế lao động - Ecgonomi ở người lao động khai thác than hầm lò.

  1.      TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].Nguyễn Duy Bảo."Tình hình môi trường lao động tại một số cơ sở khai thác mỏ", Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VIII và Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ IV về Y học lao động và vệ sinh môi trường. Tạp chí Y học thực hành. 2012; Số 849 + 850, tr. 51 - 54.

[2]. Bộ Y tế. Các bệnh nghề nghiệp trong khai thác mỏ. 2018.

[3]. Dương Thị Lan. Nghiên cứu hoạt động khai thác than tỉnh Thái Nguyên trên quan điểm phát triển bền vững, Luận văn Thạc sỹ khoa học địa lý, Đại học Sư phạm Thái Nguyên. 2010.

[4]. Lê Đình Thành. "Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường mỏ than Lộ Trí, Quảng Ninh". Tạp chí Khoa học kỹ thuật thủy lợi và môi trường. 2012; Số 39 (12/2012), tr. 34 - 40.

[5]. Vearrier D and Greenberg M.I. "Occupational health of miners at altitude: adverse health effects, toxic exposures, pre-placement screening, acclimatization, and worker surveillance", Clin Toxicol (Phila). 2011; 49 (7), pp. 629 - 640.

[6]. Cunney R.J. "What component of coal causes coal workers' pneumoconiosis?". J Occup Environ Med. 2009; 51 (4), pp. 462 - 471.

[7]. Grzesik J.P. Occupational Hygiene and Health Care in Polish Coal Mines. Poland, Institute of Occupational Medicine and Environmental Health Sosnowiec, Poland; 2005.

[8]. Zimet Z, Bilban M, Marc Malovrh M, et al. "8-isoprostane as Oxidative Stress Marker in Coal Mine Workers". Biomed Environ Sci. 2016; 29 (8), pp. 589 – 593.

  

Mai Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hiền, Bùi Thị Ngọc Minh, Nguyễn Hương Trà My
Trung tâm Sức khoẻ nghề nghiệp - Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

 

 

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle